Áo khoác chống nước: 1 cái mua của Decathlon sử dụng từ khi xuất phát đến vạch đích
6. VEST, BÌNH NƯỚC
Vest và bình nước mang được tối thiểu 1 lít nước là vật dụng bắt buộc của cự ly 100 miles. Về vest nước, mình chọn Salomon Adv Skin 12, đây là một trong những sự lựa chọn tối ưu cho các anh em đi ultra, vest nhẹ, mặc ôm vào người không gây cảm giác khó chịu, chỗ đựng đồ rộng rãi, đảm bảo để đầy đủ đồ bắt buộc cũng như đồ cá nhân sử dụng trong suốt hành trình.
Bình nước mình sử dụng 2 bình 0,5 lít của Aonijie cài trên vest trước ngực, ngoài ra mình còn để 1 bình dự phòng 0,5 lít đằng sau vest để sử dụng trong trường hợp một trong hai bình trên bị sự cố và 1 bình dự phòng để ở CP 2 nhưng không sử dụng. Tóm lại mình đã chuẩn bị 4 bình 0,5 lít, 2 bình sử dụng thường xuyên, 1 bình để dự phòng trong vest và 1 bình để dự phòng ở CP.
7. MŨ, KHĂN, BÓ CALF TAY
Thời tiết ở Sapa nói chung là biến động thất thường, có lúc lạnh, có lúc lại sương mù, có lúc lại nắng vậy nên mình cũng phải chuẩn bị các loại mũ, khăn ống, bó calf tay để chuẩn bị cho từng điều kiện thời tiết. Tránh tình trạng như năm 2022 nhiều người chạy 100 miles bị nhiễm lạnh xong dẫn đến DNF.
Về mũ, mình chuẩn bị 1 mũ lưỡi trai Ciele dùng cho lúc thời tiết không nắng và 1 mũ bucket của MUDE cho lúc thời tiết nắng. Và quả thực cái mũ bucket của MUDE đã giúp mình rất nhiều trong khoảng thời gian nắng từ sáng đến chiều ngày thứ 2, nhất là đoạn leo qua Đồi Bò 😀
Khăn mình dùng 2 khăn ống, một cái của MUDE dùng từ lúc đầu đến CP2, một cái của Coolmate do BTC tặng từ CP2 đến đích.
Bó calf mình mang theo cặp bó calf của BTC tặng từ thương hiệu MUDE. Tuy nhiên do nhiều lúc mặc áo dài tay nên bó calf tay này mình không sử dụng quá nhiều, chủ yếu là cất trong Vest nước.
8. GẬY
Gậy chạy trail không nằm trong những dụng cụ bắt buộc nhưng có lẽ các anh em chạy ultra hiếm ai lại không chuẩn bị cho mình 1 cặp gậy. Mình có gặp một anh chạy 100 miles không dùng gậy sau đó liên tục bẻ cây hoặc kiếm gỗ ven đường để dùng làm gậy, tuy nhiên sau đó anh này DNF. Mình không rõ lý do anh ấy DNF có phải do không có gậy chạy trail hay không tuy nhiên mình nghĩ việc không có gậy chạy trail khiến anh ấy tốn nhiều sức hơn trong suốt hành trình, đồng thời cũng dễ gặp chấn thương hơn. Lan man dài vậy để nói lên tầm quan trọng của gậy chạy trail đối với cự ly ultra 😀. Tại Việt Nam, có lẽ thương hiệu gậy Leki được phổ biến rộng rãi nhất và rất nhiều anh em sử dụng gậy của thương hiệu này. Vợ mình cũng ngỏ ý tặng mình 1 cặp Leki trước khi đi chạy tại Sapa, tuy nhiên sau khi suy nghĩ mình từ chối món quà từ vợ vì… “tiếc tiền” 😀. Tại VMM 2024, mình sử dụng cặp gậy carbon Aonijie đã đồng hành với mình hơn 1 năm – đây là một thương hiệu đồ chạy trail giá rẻ đến từ Trung Quốc, chất lượng cũng khá ổn trong tầm giá và mình cảm thấy thoải mái trong suốt hành trình hơn 160 km với cặp gậy này.
9. ĐÈN, KÍNH
Chạy qua đêm và sáng sớm thì chắc chắn phải có đèn, vì thế đây là dụng cụ bắt buộc đối với các VĐV cự ly 100 miles. Thậm chí BTC còn bắt buộc các VĐV phải mang theo đèn, đèn dự phòng và pin dự phòng (trừ loại đèn có thể sạc).
Về đèn chính mình dùng đèn Fenix HM65R-T V2.0 với 2 bóng LED trắng và LED vàng, thời gian sử dụng lâu đảm bảo phù hợp với mọi loại thời tiết. Cùng với đèn Fenix thì mình mang theo 2 viên pin Fenix 3.400 mAh, 1 viên dùng chính và 1 viên dự phòng.
Về đèn dự phòng mình dùng loại Sofirn SP40, đèn này thì chỉ có 1 bóng LED trắng, nóng hơn và thời lượng pin kém hơn Fenix. Ngoài ra mình cũng mang 2 viên pin dự phòng cho chiếc đèn này (dùng được cho cả Fenix)
Còn về kính thì không phải là dụng cụ bắt buộc, tuy nhiên BTC cũng khuyến cáo các VĐV nên mang theo. Mình có mang 1 chiếc kính râm của thương hiệu goodr, tuy nhiên cũng hiếm khi mình sử dụng chiếc kính này (đâu đó chắc khoảng 2 tiếng đoạn leo dốc buổi trưa ngày thứ 2 vì quá nắng) vì đeo nó khi hoạt động khiến mồ hôi bị đọng lại trong mắt kính rất khó chịu.
10. ĐỒNG HỒ
Đối với các anh em chạy bộ nói chung và chạy ultra nói riêng thì đồng hồ gps được coi là một trong những phụ kiện quan trọng nhất. Mình cũng không phải là ngoại lệ. Trước đây chủ yếu chạy road và thi thoảng chạy trail thì mình sử dụng đồng hồ Garmin (Forerunner 745 và Forerunner 955). Đến gần giải VMM, mình cảm thấy bản thân cần đổi sang loại đồng hồ khác để có thể đảm bảo đi hết được quãng đường hơn 160 km trong tối đa 44 tiếng và có chức năng dẫn đường. Sau một thời gian nghiên cứu mình quyết định cắn răng chọn chiếc Suunto Vertical Titanium Solar. Và chiếc đồng hồ này đã thể hiện được rất rõ điểm mạnh là pin trâu trong rất nhiều các bài tập của mình (100 km trong 24h hay 78km trong 19h) mà vẫn đảm bảo lượng pin trong suốt hành trình. Đến VMM 2024, mình đã sử dụng chiếc đồng hồ này trong gần 41 tiếng với tính năng dẫn đường bật liên tục, GPS đa băng tần mà khi về đích vẫn còn 39% pin. Thực sự rất ấn tượng!
Tuy vậy chiếc đồng hồ này cũng có những điểm yếu riêng của mình, sau VMM, mình đã quyết định thanh lý và chuyển sang trải nghiệm Coros 😀
11. PHỤ KIỆN KHÁC
Găng tay: Mình dùng loại găng tay chạy bộ thông thường, không rõ thương hiệu :p
Tape chống phồng rộp: Các loại tape dán thông dụng bán tại các cửa hàng thể thao.
Kem Vaseline: bôi vào vùng kín, nách, ngực, vai, chân để tránh tình trạng phồng rộp.
Bộ sơ cứu ý tế: Bộ sơ cứu y tế cơ bản theo yêu cầu của ban tổ chức (còi, chăn bạc, cồn, băng gạc, bông,…)
Dinh dưỡng: Gel năng lượng, muối, thanh bar năng lượng, trái cây khô,… (nếu anh em quan tâm mình sẽ lên một bài riêng về chuẩn bị và sử dụng dinh dưỡng cho toàn bộ cuộc đua – đây là một mục cực kỳ quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích cũng như tỷ lệ finish thành công của anh em)
Bài viết này khá dài, anh em đọc xong comment góp ý với mình nha, cảm ơn các anh em! 😀