Hà Lan và Ý là hai nước duy nhất thuộc cấp độ hai. Nhà thầu GKN Fokker của Hà Lan tham gia bảo dưỡng bánh đáp, cửa sập và hệ thống dù kéo. Các công ty Hà Lan khác thì làm hệ thống cung cấp năng lượng, hệ thống radar và các bộ phận cơ khí.
Ý cung cấp các phân đoạn cánh của F-35 thông qua công ty Alenia Aermacchi. Đặc biệt Ý còn mở một nhà máy lắp ráp tại Cameri ở miền bắc Ý để sản xuất F-35 cho Ý và Hà Lan, đồng thời thực hiện bảo dưỡng, đại tu và nâng cấp cho những chiếc F-35 đang hoạt động ở khu vực Châu Âu-Địa Trung Hải.
Chiếc F-35 đầu tiên sản xuất tại Ý.
Đan Mạch tham gia chương trình ở cấp độ 3 vào năm 2002 thông qua công ty Terma. Họ cung cấp các giá treo tên lửa không đối đất, các tấm composite ở thân giữa máy bay, lớp vỏ composite cho các đuôi thăng bằng ngang và dọc, các thành phần động cơ và mô-đun radar.
Úc là một nước thuộc cấp độ 3, chủ yếu thông qua công ty Marand sản xuất đuôi thăng bằng dọc. Mặt khác thì có hơn 70 công ty khác của Úc cũng tham gia dự án và họ làm đủ khâu từ sản xuất, bảo dưỡng cho đến sửa chữa và nâng cấp, với giá trị của các hợp đồng vượt quá 2,5 tỷ USD. Ngoài ra, các chuyên gia Úc đã tham gia vào nhiều cuộc thử nghiệm tại các căn cứ Không quân ở Mỹ từ năm 2010.
Na Uy, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước còn lại thuộc cấp độ 3. Na Uy làm việc thông qua nhà thầu Kongsberg nhằm cung cấp các cạnh của đuôi, giá treo tên lửa không đối không và cửa khoang bánh đáp. Công ty Magellan Aerospace của Canada thì cung cấp đuôi thăng bằng ngang.